Cuốn sách được bắt đầu bằng một câu chuyện ngụ ngôn khá nhẹ nhàng. Có một gia đình nọ vô cùng nghèo khổ, sống trong một mái nhà lụp xụp chưa đầy mười lăm mét vuông. Cuộc sống của họ hoàn toàn trông cậy vào cô bò sữa bên nhà. Suốt nhiều năm trời, cả gia đình tám người nhờ vào sữa của nó mà duy trì cuộc sống. Và điều họ không thể ngờ đã đến, vào buổi sáng nọ, một kẻ bất nhân nào đó đã giết chết con bò của họ. Nếu tôi rơi vào hoàn cảnh đó, chắc chắn tôi sẽ rất hoảng sợ bởi kế sinh nhai duy nhất đã không còn.
Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may, nhờ việc mất đi con bò mà họ bị ép phải đi tìm một cách khác để duy trì cuộc sống. Rồi họ nhớ tới khu vườn sau nhà và bắt đầu gieo hạt. Ơn trời, khu vườn không những cung cấp đủ cho họ lương thực mà còn dư dả để bán cho người khác. Chính từ giây phút này, cuộc sống họ chính thức thay đổi.
Chí ít thì con bò trong câu chuyện vẫn còn hữu hình, có những “con bò” mà theo tác giả nó không hề kêu hay bò bốn chân trên đồng cỏ đâu. Đó là “con bò” sợ hãi, định kiến và biện minh trong não bộ của chúng ta. Nó khiến chúng ta mãi nghèo khó bên vách nhà tranh.
Điều tôi cảm thấy thích ở cuốn sách này là nó rất dễ hiểu. Tác giả gãy gọn các vấn đề được nêu ra. Nếu trong khuôn khổ của một cuốn sách hơn trăm trang thì tôi thấy khá vừa ý. Tác giả đưa ra từng luận điểm để chúng ta có cái nhìn về những “con bò” điển hình. Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, ai cũng có công việc của mình. Và “con bò” mang đến mầm mống của sự vô kỷ luật và ỷ lại cho mỗi chúng ta.
Chẳng ví dụ đâu xa lỡ hẹn do có việc gia đình, đi có việc nên quên làm bài tập, chậm deadline vì bị ốm,... Chúng ta luôn có những cách để đổ lỗi cho hoàn cảnh thay vì nhận lỗi về mình. Tác giả Camilo Cruz nói rằng, muốn bắt “con bò” thì phải định hình nó trước đã. Ta phải dành thời gian suy nghĩ về vấn đề của mình một cách thật nghiêm túc. Chẳng hạn như tại sao ta thường đi muộn, do ta không tập trung vào việc cần làm lên hàng đầu mà phân tâm vào quá nhiều việc. Dẫn đến gần giờ hẹn mới cuống cuồng chuẩn bị để tới địa điểm cần tới. Vậy thì làm sao mà sớm cho nổi.
Lớn hơn nữa thì ta chống chế và eo óp chính bản thân mình. Tôi không thể làm thế này, tôi chẳng thể làm thế kia. Cái việc đó phải để anh A làm, tôi không thuyết trình vì tôi sợ đám đông, tôi không thể viết vì tôi là dân kĩ thuật...
Mỗi lần như vậy, thay vì tìm cách cải thiện, ta lại đổ lỗi cho hoàn cảnh. Khi đã quen với điều đó, ta sẵn sàng đổ mọi lỗi lầm lên người khác. Tôi cực kì thích một câu của tỷ phú Bill Gates rằng: “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn, nhưng chết đi trong nghèo khó thì chắc chắn đó là do bạn”.
Khi bạn thoái thác trách nhiệm của mình, đương nhiên chẳng có ai chất vấn bạn đâu. Thế nhưng đừng tưởng ban sẽ thoát tội nếu cứ nuông chiều “con bò” như vậy. Dần dần hình phạt sẽ đến bằng việc mất niềm tin của người khác, làm quen với dối trá và vô kỷ luật. Đương nhiên là cũng chẳng có toà án nào xử phạt vì bạn đã nói dối cả. Bởi vì “con bò” đã tặng bạn bản án chung thân của nghèo khó và sợ hãi rồi.
Vượt ra khỏi vòng an toàn không hề dễ nhưng cũng không có nghĩa là không thể. Có người từng nói rằng, việc thành công và giàu có khó hơn rất nhiều lần so với nằm dài hưởng thụ. Chính vì thế mà người giàu tuy chỉ chiếm trọng số rất nhỏ trong tổng cấu trúc dân số nhưng lại nắm đa phần tài sản của thế giới là vậy đấy.
Ngoc Anh Hoang NDS
Post a Comment