Chắc hẳn mọi người đã từng tám quên thời gian với ai đó cũng thích cùng cuốn sách giống mình, hoặc sách có nội dung tương tự. Cảm giác đó nó sướng như gặp soul mate ấy nhỉ. Mình ghen tị với những người đó lắm, vì thú thật là tới bây giờ mình chưa gặp được ai có thể trao đổi cùng mình về những cuốn sách mình đọc cả.

Có một số ví dụ này để bạn thử hình dung vì sao mình không bàn luận về sách với ai được.

Hồi nhỏ đọc Thần Đồng Đất Việt, mình thuộc làu toàn bộ những câu đối Hán-Nôm trong 70 tập truyện đầu, chỉ trừ những câu đối chiết tự thì do không biết mặt chữ Hán nên mình không hiểu và không nhớ được. Mình còn rủ bạn học chơi đóng vai và thi đối với nhau như nhân vật trong truyện. Chả có đứa nào chơi cùng mình được. Giờ thì mình quên hết rồi, nhưng nhờ có kỷ niệm lúc nhỏ đó mà mình “nhạy” với thơ.

Bạn có nghe đến Nhật Chiêu và Cao Huy Thuần chưa? Đây là tác giả người Việt hiếm hoi và là hai trong số ít tác giả mình hăng hái đi lùng sục và tìm mua tất cả những tác phẩm của họ. Một tác giả nước ngoài khác mình thích và xếp vào chung nhóm với hai tác giả trên là Tagore.

Cảm xúc của bạn khi đọc Nhà giả kim là gì? Hồi mình chưa đọc quyển này, mình hỏi bạn mình cho mình review. Bạn ấy chỉ nói đơn giản đó là chuyện một người trẻ phải đấu tranh rất nhiều để đạt được điều mơ ước, ngoài ra không có cảm xúc đặc biệt gì khác. Và câu quote cực kỳ phổ biến từ truyện mà tụi mình gặp mãi, đến nỗi mình nghĩ nó thành một cái “logo” cho cuốn sách luôn ấy nhỉ, là “khi bạn khao khát điều gì thì cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”. Mình thì không ấn tượng với review và câu quote lặp đi lặp lại này mấy. Mãi đến năm ngoái mình mới tìm đọc quyển này, vì nó mỏng và do mình bị stress bởi công việc nên chỉ muốn đọc cái gì nhanh gọn. Đọc rồi mình mới giật mình vì quyển này nó “ghê” và “nặng” cỡ nào. Mình khóc tê tái vì nó.

Mình trích ở đây một số câu mình thích. Khi tách ra khỏi bối cảnh câu chuyện thì nó cũng phần nào “mất màu” rồi, nên nếu có thời gian bạn thử đọc lại cuốn sách xem bản thân có rút ra ý tưởng nào mới không nhé. Không cần đặt nặng vấn đề tâm linh, chỉ ngẫm theo cách bình thường nhất thì quyển này đã rất sâu sắc rồi. “Thế giới chỉ là phần thấy được của Thượng đế. Thuật luyện kim đan có nhiệm vụ chuyển sự toàn mỹ của tâm linh sang cho thế giới vật chất”; “Cho nên vàng, thay vì là biểu tượng của tiến hóa, trở thành nguyên nhân gây ra xung đột”, “Tôi đã quan sát đoàn suốt dọc đường đi qua sa mạc. Đoàn và sa mạc nói cùng một thứ tiếng nên đoàn được phép đi băng qua nó”, “không hiểu được ngôn ngữ ấy thì sẽ chết ngay từ đầu”.


Và mình sẽ bị cuốn hút bởi Gandhi, Leonardo hay Tolstoy hơn là Steve Jobs, Bill Gates hay Warren Buffett. Mình thấm một cuốn luận văn triết hay tiểu thuyết trừu tượng nhanh hơn nguyên lý kinh doanh. Vì điều này mà khi bắt đầu công việc đầu tiên, mình té đau điếng. Trong ngành FMCG với những từ khóa “cạnh tranh” và “doanh thu, lợi nhuận”, thể loại sách mình đọc bị dán nhãn “thiếu thực thế” và “quá lý thuyết”.

Mình đã đè ép bản thân để hòa nhập công việc. cho tới một lúc mình biến chất, trở thành một người cáu kỉnh, luôn trong thế phòng bị và quạt bất cứ ai động chạm đến mình. Sau đó mình mới nhận ra vấn đề cốt lõi là xung đột giá trị giữa mình và công ty. Mình muốn “hợp tác”“ảnh hưởng” thay vì “cạnh tranh”. Mình không đọc sách trong thời gian dài, phần vì mình không có thời gian, phần vì mình bị ám ảnh bởi cảm giác ghét bỏ khi ai đó bàn ra bàn vào cuốn sách mình đọc.

Ngày nghỉ việc mình sợ đến phát khóc. Mình không buồn vì bản thân biến chất hay khi gia đình mắng vì bỏ việc lương cao; mình cũng chẳng sợ đói khi nghỉ việc đột ngột. Cú sốc kinh khủng nhất mình phải đối mặt là mất kết nối hoàn toàn với thế giới cảm xúc trong sách mình đọc. Mình nhớ mãi cảm giác lật từng trang sách mà đầu óc trống rỗng, không thể hiểu được điều mình từng hiểu và không liên kết được những gì mình đã đọc lại với nhau.

Tốc độ nghĩ của mình nhanh hơn tốc độ viết, nên mình không bao giờ viết hay note và hiển nhiên chả có tí gì được lưu lại. Mặc khác mình liên kết thông tin rất rộng. Mình có thể tìm thấy điểm chung giữa một quyển sách nông nghiệp và một bộ phim trong một bài hát, bài kệ, bài thơ hay một câu chuyện tiểu thuyết tội phạm. Để ghi xuống toàn bộ những suy nghĩ này, đối với mình là điều không thể. Vậy nên khi bộ nhớ bị hỏng mình mất trắng.

Bạn biết nhân vật Grenouille trong Mùi hương không? Hắn “xây” cả một thế giới mùi trong mũi của mình. Khi muốn tạo mùi nước hoa mới hắn không cần làm thí nghiệm, chỉ cần cắt ghép mùi trong mũi là đã xong rồi. Cách mình xây dữ liệu trong đầu cũng tương tự như thế.

Mình giận bản thân ghê lắm. Gu đọc của mình đã luôn tách biệt với mọi người nhưng chẳng bao giờ mình thỏa hiệp, vậy mà thời điểm đó mình lại tự ti và phủ nhận nó. Lúc nhỏ mình vô tư xổ ra những cái mình đọc bao nhiêu, thì bây giờ mình chỉ cười trừ khi ai đó hỏi em đọc sách gì. Rồi mình chợt nghĩ, chắc chắn một bạn giống mình cũng đang đi tìm mình để được chia sẻ. Mình bỏ giữa chừng, không những mình mà bạn đó cũng sẽ khổ sở lắm.

Phải mất một năm mình mới dám đối diện với nỗi sợ này.

Minh Thảo NDS

Post a Comment

Previous Post Next Post