Học từ vựng là 1 trong những điều quan trọng nhất khi học bất kì ngôn ngữ nào, ngữ pháp có thể sai, phát âm có thể chưa được chuẩn nhưng có vốn từ vựng đủ thì vẫn có thể giao tiếp được, vẫn có thể truyền đạt được ý tưởng cho người ta hiểu.
 
Tuy nhiên, việc dạy con từ mới lại không hề dễ dàng, con học trước quên sau hoặc chán không có hứng thú học. Không biết giờ các con học từ mới như nào nhưng mình nhớ hồi xưa mình học tiếng Anh, cô giáo thường viết 1 loạt các từ mới lên bảng cùng với nghĩa rồi gọi vài bạn giơ tay phát âm lại, sau đó cả lớp đồng thanh đọc theo, bài tập về nhà là chép lại từ 5-10 lần để nhớ.
 
Mình chẳng nói là cách dạy & học này có hiệu quả với các bạn khác không nhưng mình nhận thấy rằng dù có nhớ từ, nhớ nghĩa tiếng Việt, cách phát âm thì mình cũng không dùng được. Mình biết nhiều từ nhưng mình không có nói được.
 
Nếu như ba mẹ nào vẫn đang áp dụng cách học tương tự, kiểu na ná như thế thì nên thay đổi vì đây là lý do khiến con học cái là quên và lười học từ. Có thể người lớn sẽ thấy cách dạy của cô giáo mình ngày xưa dễ nhớ từ hơn nhưng não trẻ con lại không giống người lớn.
 
Não trẻ có thể tiếp thu ngoại ngữ vô cùng dễ dàng và nhanh chóng mà không cần bất kì sự nỗ lực nào mặc dù là ba mẹ có đang cố gắng dạy con hay không. Tuy nhiên không có điều gì là tự nhiên mà đến mà không có chất xúc tác nào cả, điều trên chỉ đúng nếu con ở trong môi trường đa ngôn ngữ, với môi trường đơn ngôn ngữ như ở Việt Nam, vai trò của ba mẹ trong việc giúp con tiếp cận với ngôn ngữ mới là không thể bỏ qua. Dù ba mẹ có cho con nghe đài tiếng Anh, xem phim hoạt hình hằng ngày bằng tiếng Anh mà không có ai tương tác, nói chuyện cùng con thì con cũng không thể tự dưng mà nói được.

Tương tự với việc học từ cũng vậy, cách học hiệu quả nhật là trò chuyện cùng con trong những ngữ cảnh tự nhiên hằng ngày. Con cần ngữ cảnh, sự tương tác để mà nhớ từ chứ không phải là 1 danh sách các từ khô khan chẳng có ý nghĩa hay liên kết gì.


Chẳng hạn, hôm nay mẹ dạy con về từ “ vertebrate” ( động vật có xương sống ). Bữa tối hôm nay mẹ nấu món thịt gà hãy hỏi con “ What animals do we eat today?” ( Hôm nay mình ăn con gì đó con?). Con trả lời: Chicken. Mẹ tiếp tục đặt câu hỏi: Hôm nay bố chê thịt gà như nào ấy con? ( What did Dad say about the chicken meat? ). Con trả lời: This chicken has a lot of bones (Thịt gà có nhiều xương mẹ ạ). Vậy cái con mà có nhiều xương thì mình gọi đó là con gì đó con? ( If animals have bones, what do we call them? ). Nếu con chưa nhớ ra thì có thể từ từ gợi ý thêm cho con, như kiểu từ đó bắt đầu bằng chữ V hoặc phát âm âm tiết đầu tiên của từ để khơi gợi trí nhớ cho con. Cứ như thế, lặp lại từ đó ở ngữ cảnh khác. Lần sau mẹ gặp 1 con vật nào đó, tiếp tục đặt câu hỏi cho bé để bé được gợi nhớ về từ. Với cách học này, con sẽ nhớ từ lâu hơn mà không hề biết mẹ đang dạy mình, kiểu học mà như không ấy.

Ngoài ra ba mẹ có thể kết hợp với các nguồn học khác nhau như đọc sách, đọc truyện, xem Youtube để bổ trợ cho con, trong quá trình tiếp xúc với những tài liệu trên nếu con vô tình đọc, nghe hoặc xem qua từ mới vừa mới học mẹ nên gợi nhắc lại từ cho con.

Việc tiếp xúc với nhiều nguồn tiếng Anh khác nhau bên cạnh việc chỉ tương tác với ba mẹ cũng giúp con nói tiếng Anh chuẩn hơn. Mình thấy có nhiều mẹ không dám tương tác với con nhiều vì lo lắng về phát âm của mình không chuẩn, ảnh hưởng đến con nhưng điều này hoàn toàn không phải là trở ngại nếu ba mẹ biết kết hợp dạy con từ nhiều nguồn tiếng Anh khác nhau.

Sử dụng các nguồn online, nhờ bạn bè biết tiếng Anh nói chuyện cùng con, thuê gia sư hoặc đưa con đến trung tâm, việc tiếp xúc tiếng Anh đa dạng các nguồn như thế giúp con hoàn toàn có thể đạt đến độ chuẩn như người bản xứ. Như mình đã nói, thì não trẻ tiếp thu ngôn ngữ 1 cách rất tự nhiên mà không phải dạy, điều con cần là sự tương tác, não trẻ cần biết là ngôn ngữ được học có quan trọng, cần thiết với nó không thì nó mới học. Khi mẹ biết định hướng, cho con 1 môi trường, và tương tác với con thì mọi thứ đều đến 1 cách hết sức tự nhiên.

Ngoài điều trên, thì việc truyền cảm hứng động lực học cho con là điều cần thiết, trái ngược với điều này là việc mẹ ép con học, cáu khi con phát âm sai, con không nhớ từ, hay cố gắng chỉnh sửa con quá nhiều. Việc gây áp lực cho con như vậy khiến con hình thành nỗi sợ sai, tại sao mẹ luôn cáu khi mình nói tiếng Anh?, lâu dần con ghét học và dù cho có về sau mẹ có cố gắng hay thử nhiều phương pháp khác nhau thì tiếng Anh của con cũng không khá lên vì từ giây phút này não con đã đóng sầm cánh cửa với tình yêu tiếng Anh.

Ba mẹ cần nhớ não trẻ có thể học được mọi thứ, chỉ cần có hứng thú & sự tương tác người với người con đều có thể học được mà không phải cố gắng nhiều. Vì thế đừng bao giờ gây áp lực hay hình thành nỗi sợ sai trong con, thay vào đó ba mẹ hãy để con được là chính mình, con phát âm sai, con nói sai ngữ pháp tè le, cứ khuyến khích con nói, khuyến khích con nghe nhiều, thực hành nhiều hơn, thời gian con tiếp xúc, thực hành với ngoại ngữ đó càng nhiều, não của con có đủ lượng sẽ tự điều chỉnh.

Vì thế ở trong giai đoạn vàng học ngôn ngữ, truyền cảm hứng học cho con là điều quan trọng nhất, vì bỏ lỡ cơ hội này thì dù sau này con lớn con có ý thức về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ thì cũng khó học hơn rất nhiều và càng khó hơn với những bạn từng có những ấn tượng xấu khi học ngoại ngữ đó như bị cô giáo mắng, mẹ cáu khi phát âm sai hay không hoàn thành bài tập.

Biếc Cỏ

Post a Comment

Previous Post Next Post