Có những nỗi lo lắng không thể diễn bằng lời. Chỉ có cách im lặng lắng nghe thay vì giải thích. Mặt đối mặt để kể cho nhau nghe những thuận lợi, khó khăn và kế hoạch, nhưng những khuất ẩn trong tâm hồn chỉ những ai đủ đồng cảm và đứng trong cương vị mới hiểu. Cha là thế! Lo cho con bao nhiêu thứ. Hoa trái thì con có thể thấy và hưởng trọn, nhưng để suy về cùng tận của tiến trình sản sinh ra hoa trái ấy, con còn quá non nớt và hồn nhiên để hiểu vấn đề.
Màu tóc bạc báo hiệu tuổi đời cha đã mon men bước sang bên kia đỉnh núi. Vầng trán nhăn nhúm theo những co rúm và tàn lụi của kiếp người. Tần tảo vất vả lo cho đầu trẻ từng chút một đã là một gánh quá nặng. Đã thế, vừa đóng vai trò của người cha để lo việc vòng ngoài, vừa là người mẹ lo việc vòng trong, thương cho hình hài của cha dần bị bào mòn bởi bao nhiêu lo lắng vây quanh. Đôi vai oằn trĩu bởi những khi bồng bế. Đôi mắt thâm quầng bởi những chập thức khuya triền miên. Đôi tay run rẩy bởi đã kham bao nhiêu công việc nặng nhọc để con đến ngày khôn lớn bước ra đời. Để con được an tâm tận hưởng và thỏa thích với những thành quả, cha sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Để đầu trẻ rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, đã bao nhiêu bận cha gánh thương đau vì “mũi dại lái chịu đòn”. Để hạn chế bao nhiêu vấp ngã trên đường đời con trẻ, cha cứ nhắc tới nhắc lui những câu nói chán ngắt và lê thê. Có lúc, cha chấp nhận để con ghét bỏ chỉ vì: “Thôi! Nó ghét mình mà đời nó sướng cũng được!”.
Cha! Định luật nào buộc cha phải làm thế? Chỉ vì yêu! Đơn giản tình yêu không có quy tắc cụ thể để người ta có thể cân, đong, đo, đếm. Nhưng cha ơi! Liệu có thể lôi ra chút gì đó là hình thù và âm thanh của tình yêu mà cha dành cho con? Được chứ! Hình thù của tình cha-con là những khoảng cách tuổi tác như tuổi già của cha và tuổi trẻ của con. Những nhăn nhúm của cha già với nét hồng hào đẹp đẽ của con. Những lo lắng còn đọng lại trên vầng trán, khóe mắt của cha già với nét vô tư, hồn nhiên của đầu trẻ. Những thất bại của cha để rút kinh nghiệm cho thành công của đời con… Còn âm thanh, đó là những tiếng khóc, tiếng cười, lời tâm sự, những ê a nhắc nhở… thậm chí những điều mà con cho là cha già đang “nhai giẻ rách” bên tai con nữa. Ôi! Tình yêu sao quái dị vậy cha? Ừ! Nó vậy đó, những quái dị được đặt ẩn khuất trong con người của cha và con, chúng được nối kết bằng một thứ tình cảm thiêng liêng. Thiên Chúa biết chúng ta cần những thứ quái dị ấy và Người cũng biết chúng ta cần những mối nối chúng lại với nhau biết chừng nào.
Đôi lời thăm hỏi về đời sống, khó khăn hay thuận lợi mà con đã và đang gặp phải, ưu tư gì cho tương lai. Con cần nhận ra phía sau những điều ấy không đơn thuần là những lo lắng vẩn vơ cho vui! Vui gì với những điều ấy con nhỉ? Thăm hỏi hoài thì bị bảo là nhiều chuyện hay xía vô chuyện riêng của người khác. Nhắc nhở hoài thì bị cho là “bài ca con cá quen thuộc”. Lên tiếng la rầy thì bị kết luận là “cha già khắt khe, khó ưa!”… Nhưng không sao, cha thấy và hiểu con của cha. “Lúc nó buồn, nó về với tôi. Nó ngồi cạnh tôi như một người đàn ông trưởng thành, oằn hai khuỷu tay trên gối, mặt cúi, nước mắt chảy dài và hỏi: “Cha ơi! Con biết làm sao?”.” “Ừ! Đừng buồn nữa! Cha đây mà! Cha con ta cùng nhau giải quyết!”. Lúc nào đó bồng bột, con trẻ đã xem cha chẳng khác cái xó xỉnh tầm thường để trút mọi tai hại, hậu quả, mệt mỏi… Nhưng đến ngưỡng nào đó của cuộc đời, ắt con sẽ hiểu…
Đến lúc con sẽ hiểu vì sao cha không kể bằng lời cho con nghe tình thương cha dành cho con. Con sẽ hiểu đến lúc cần thăm hỏi, động viên con cái trong cuộc sống vì chúng cần đến con. Đến lúc con sẽ hiểu vì sao tình yêu quái dị mà người ta lại cần đến nó. Con sẽ khám phá ra những nghịch lý giữa tuổi tác, suy nghĩ, lối sống… nhưng sau đó lại là chân lý. Con cũng sẽ hiểu chẳng phải tự dưng mà Thiên Chúa đặt để vào nhân loại tình cha-con. Con sẽ hiểu vì sao cha phải “nhai giẻ rách” bên tai con hoài. Con sẽ hiểu ý nghĩa của “bài ca con cá quen thuộc” vốn chẳng có âm hưởng hay giai điệu gì cuốn hút… Tất cả, vì cha thương con! Con của cha.
Little Stream
https://dongten.net/2021/09/26/noi-long-nguoi-cha/
Post a Comment