Sapiens là cuốn sách thuộc thể loại mà tôi cực kỳ hiếm đọc. Và vì sự tò mò của tôi trước sự nổi tiếng của nó mà tôi đã bắt đầu lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách. Sapiens như một cỗ máy thời gian của Đôrêmon đưa tôi quay trở lại 100.000 năm trở về trước, đưa tôi khám phá từng ngóc ngách của lịch sử loài người. Cuốn sách dày hơn 500 trang, tuy nhiên tôi nghĩ để tóm lược lịch sử trong khoảng thời gian dài như vậy, là đã rất cô đọng rồi. Và khi đọc xong cuốn sách này, tôi đã ước giá như ngày xưa trong môn Lịch sử có thêm cuốn này để học sinh học tập và nghiên cứu.


Đôi nét về tác giả

Yuval Noah Harari là một nhà sử học, triết học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy thế giới Sapiens: Lược sử loài người, Homo Deus: Lược sử tương lai và 21 bài học cho thế kỷ 21. Ông cũng là một cây bút nổi tiếng của nhiều tờ báo lớn như The New York Times, Financial Times, The Guardians với các bài viết xoay quanh ý chí tự do, ý thức, lịch sử, văn minh.

Tóm tắt sơ lược tác phẩm

Phần 1: Cách mạng nhận thức

Đây là lần đầu tiên tôi biết được sự thật là LOÀI NGƯỜI KHÔNG PHẢI LÀ LOÀI NGƯỜI DUY NHẤT, chỉ là một trong rất nhiều loài người thuộc chi Homo.

Con người điều khiển hành tinh bởi vì ta là loài động vật duy nhất, có thể hợp tác một cách LINH HOẠT và với một SỐ LƯỢNG LỚN. Vậy điều gì đã khiến cho chúng ta hợp tác với nhau. Đó chính là TRÍ TƯỞNG TƯỢNG. Bất kỳ sự hợp tác nào của con người ở quy mô lớn đề bắt nguồn từ những huyền thoại phổ biến vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng (tôn giáo, tiền, quốc gia). Và miễn là mọi người cùng tin vào một điều hư cấu, thì mọi người đều tuân thủ và cùng tuân theo những luật lệ, những quy tắc, những tiêu chuẩn.

Phần 2: Cách mạng nông nghiệp

Cách mạng Nông nghiệp bắt đầu bằng hành trình thuần hóa các loài động vật (cừu, ngựa, lợn…) và thực vật (lúa mì, gạo, khoai tây…). Cuộc Cách mạng Nông nghiệp đã khiến cuộc sống của Sapiens thay đổi, chúng ta từ “kẻ săn bắt hái lượm trở thành người nông dân”.

Tuy thế, cuộc Cách mạng Nông nghiệp lại được Harari đánh giá như “sự lừa dối lớn nhất lịch sử”. Chính nó đã châm ngòi cho cuộc bùng nổ dân số và tạo ra một giới tinh hoa được nuông chiều. Theo Harari, không phải Homo Sapiens đã thuần hóa lúa mì, gạo hay khoai tây, mà chính CHÚNG ĐÃ THUẦN HOÁ CHÚNG TA.

Ngược lại với cây cỏ, động vật bị thuần hóa để phục vụ nhu cầu của loài người trên các biện pháp tàn bạo nhất và ngày càng trở nên độc ác hơn theo các thế kỷ. Chúng phải phá vỡ các bản năng tự nhiên và gắn kết bầy đàn, phải kìm lại bản tính hung hăng và bản năng tình dục, bị tước đi sự tự do.

Phần 3: Sự thống nhất của loài người

Cần thêm 7.000 năm (thế kỷ 3 TCN) để Sapiens có thể chuyển ngôn ngữ nói thành chữ viết, qua đó lưu trữ thông tin của nhân loại, cùng với đó hệ thống tiền bạc đầu tiên cũng ra đời.

Trật tự phổ quát xuất hiện chính là trật tự TIỀN TỆ, ĐẾ CHẾTÔN GIÁO. Con người có thể không tin vào cùng một tôn giáo, không tuân lệnh cùng một vua, nhưng tiền là câu chuyện sáng tạo duy nhất mà tất cả mọi người đều tin.

Tuy nhiên, hầu hết lịch sử, con người vẫn sống trong bóng tối của hiểu biết, tri thức. Đến tận những năm 1500, chỉ khi “con người thừa nhận sự ngu dốt” về thế giới, chúng ta mới bắt đầu có những chuyến chinh phục châu Mỹ, các đại dương, với nhiều hiểu biết và ánh sáng tri thức tìm được, nhân loại đã mở đầu thời kỳ mới: cuộc Cách mạng Khoa học.

Phần 4: Cách mạng khoa học

Sự phát triển của khoa học gắn liền với đế quốc của phương Tây khiến họ phát triển và vượt xa phương Đông. Những tấm bản đồ trống lần lượt được Châu Âu chinh phục và khám phá. Harari đưa ra lý giải về sự hình thành và phát triển của TÍN DỤNG. Chủ nghĩa tư bản ra đời, tạo ra bước tiến vĩ đại trong nền kinh tế của nhân loại.

Và câu hỏi tác giả đạt ra ở cuối chương này khiến tôi không khỏi suy nghĩ, rằng liệu các cuộc cách mạng đã trải qua trong suốt 100.000 năm qua, có làm cho con người HẠNH PHÚC hơn?

Cảm nhận chung của tôi

Sapiens là một cuốn sách hay và dễ đọc với bất kỳ ai chưa từng yêu thích thể loại lịch sử - khoa học. Cuốn sách này khiến tôi không ngừng suy nghĩ, hình dung về con người trong quá khứ, tưởng tượng về tương lai chúng ta sẽ đi về đâu?

Qua mô tả của tác giả về việc các loài động vật bị thuần hóa ra sao, và Homo Sapiens đã giữ kỷ lục trong tất cả các sinh vật với thành tích tận diệt hầu hết các loài động vật và thực vật trong suốt hàng nghìn năm qua. Đó như một hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta bớt thờ ơ với “Làn sóng tuyệt chủng" mà chúng ta là một phần trong đó.

Harari cho rằng Cách mạng Nông nghiệp là một sự sai lầm lớn nhất lịch sử. Đây là một luận điểm mới lạ nhưng chưa thật sự thuyết phục được tôi. Không có căn cứ hay chứng minh thực tiễn nào cho thấy rằng nếu không đi theo con đường nông nghiệp, cuộc sống của chúng ta ngày nay sẽ tốt đẹp và tiến bộ hơn. Ông cho rằng xã hội nông nghiệp làm chúng ta vất vả hơn và lao động như một nô lệ mà bỏ qua thực tế rằng, chính nhờ tiền đề là nông nghiệp mà con người có thể được tạo cơ hội để tìm ra ngôn ngữ, chữ viết, hay thậm chí là những kỹ nghệ đáng quý như ngày nay.

Năm 1775, châu Á chiếm 80% quy mô kinh tế thế giới. Chỉ hai nền kinh tế của Ấn Độ và Trung Hoa đã chiếm ⅔ sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu là một “người lùn” về kinh tế. Vậy vì sao phương Tây lại trở lên xuất chúng và vượt trội như vậy? Đó là vì họ luôn tìm tòi, khám phá và học hỏi, họ chú trọng việc phát triển khoa học và công nghệ, trong khi các vị vua phong kiến phương Đông chỉ chăm chăm “thu thuế”, sử dụng thuế để làm chi phí cho chiến tranh, vận hành chính quyền…. 

Điều này khiến cho tôi  thấy được tầm quan trọng của tầm nhìn và khoa học. Xã hội ngày nay, hầu hết mọi người đều học vì bằng cấp, điểm số. Mấy ai học vì họ đam mê, muốn tìm hiểu? Nếu muốn theo kịp các nước phương Tây, chúng ta không có cách nào khác là thay đổi mục tiêu, suy nghĩ và tầm nhìn của chính mình.

Sau những tiến bộ và những cuộc cách mạng không ngừng nghỉ, liệu rằng chúng ta có hạnh phúc hơn? Một người nhân viên văn phòng ngày nay liệu có hạnh phúc hơn một người săn bắt hái lượm thời cổ đại? Chúng ta chỉ chăm chăm để ý vào con số tăng trưởng về dân số, kinh tế,... mà quên mất một chỉ số quan trọng là HẠNH PHÚC.

Chúng ta trở nên mạnh mẽ, quyền lực hơn bao giờ hết, và dường như sánh ngang với các vị thần thời cổ đại. Nhưng liệu có điều gì nguy hiểm hơn những vị thần bất mãn và vô trách nhiệm, họ không biết mình thực sự muốn gì? Một câu hỏi như một sự nhắc nhở cho loài người.

Chia sẻ từ Mai Hà NDS
(biên tập lại Dapo)

Post a Comment

Previous Post Next Post