Báo cáo mới nhất của hàng loạt công ty chứng khoán đều cho thấy tác động của sự bùng phát dịch bệnh do vi-rút chủng mới nCoV đang tác động lớn đến diễn biến cổ phiếu cũng như triển vọng của nhiều nhóm ngành trên sàn.
Hầu hết đều cho rằng dược phẩm và thiết bị vật tư y tế là nhóm ngành được hưởng lợi kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát ngay kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 nhưng tác động này chủyếu về mặt tâm lý trong ngắn hạn.
Tâm lý tích cực đã phản ánh vào ba phiên tăng điểm liên tiếp ở hầu hết các cổ phiếu ngành dược ngay sau Tết, sau đó đã điều chỉnh trở lại ở các phiên tiếp theo. Cổ phiếu DHG của Dược hậu Giang đã tăng gần 21% chỉ sau ba phiên, lên mức cao nhất 106.400 đồng trước khi điều chỉnh giảm còn 97.400 đồng/cổ phiếu vào phiên cuối tuần.
Tương tự, IMP của dược phẩm Imexpharm cũng tăng hơn 17%, lên 58.600 đồng trước khi điều chỉnh về 53.500 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý nhiều cổ phiếu sau khi phản ứng tích cực đã điều chỉnh mạnh, thậm chí về mức bằng hoặc thấp hơn trước Tết, chẳng hạn như DBD của dược Bình Định, PME (dược Phú Yên), DMC (Domesco),…
Báo cáo của công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng việc tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành dược như một cách đầu cơ hưởng lợi từ việc bùng phát dịch bệnh. Thông thường, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh về mức hợp lý dựa trên nền tảng cơ bản, mà cụ thể là kết quả kinh doanh năm 2019.
Báo cáo của chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng, việc tác động đến ngành dược mang yếu tố tâm lý trong ngắn hạn, tương tự như bất kỳ các diễn biến dịch bệnh bùng phát trong lịch sử.
“Tuy nhiên, hiện tại không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt cơ bản đối với các công ty dược trước dịch bệnh, vì vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm trung lập với lĩnh vực này trong năm 2020,” báo cáo nhận định.
Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng việc hưởng lợi là có tuy nhiên quy mô của nhóm ngành dược còn khá nhỏ, ngoài các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế được hưởng lợi chính thì các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất kháng sinh và thuốc điều trị đơn giản hay thực phẩm chức năng sẽ không hưởng lợi gì từ sự bùng phát này. Việc đầu tư cũng nên cân nhắc khi nhóm này có đặc thù thanh khoản kém nên khó mang về hiệu quả đầu tư mong đợi nếu nhà đầu tư không có tầm nhìn dài hạn - VNDirect khuyến cáo.
Trong khi các nhà phân tích lưu ý, thương mại điện tử có thể được hưởng lợi trong thời kỳ bùng phát dịch bởi việc hạn chế sức cầu mua sắm tại các cửa hàng vật lý nhằm phòng tránh
việc lây nhiễm. Tuy nhiên trên sàn hiện chưa có công ty nào thuộc nhóm ngành này.
Một số quan điểm cũng nhận định nhóm cổ phiếu các công ty xuất khẩu vốn cạnh tranh với Trung Quốc như dệt may, thép hay săm lốp có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các bạn hàng của Trung Quốc có khả năng sẽ tìm nguồn hàng thay thế từ các thị trường khác.
(Ảnh báo Thanh Niên)
Tuy nhiên dệt may là ngành chịu tác động lưỡng tính, tích cực lẫn tiêu cực. Theo SSI, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong khi đây là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, triển vọng của nhóm hàng không - du lịch là khá tiêu cực. Theo SSI, hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019, nhưng sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn do việc hạn chế di chuyển cũng như du lịch trong mùa bệnh dịch. Chưa kể tình hình dịch bệnh làm suy giảm nhu cầu du lịch và đi lại trên toàn cầu.
Nhóm vận tải - khai thác cảng biển cũng bị vạ lây do các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc sẽ giảm do nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và hoạt động sản xuất bị hạn chế. Các công ty xuất khẩu chính sang Trung Quốc hoặc phụ thuộc nguồn cung từ thị trường này sẽ chịu tác động tiêu cực khi một số cửa khẩu giao thương tạm ngưng hoạt động.
Theo VNDirect, do kiểm soát dịch, giao thương qua lại biên giới sẽ thắt chặt trong thời gian tới khiến hoạt động xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp khó khăn. "Các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 75,3 tỉ USD năm 2019; trong khi đó đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với giá trị 41,5 tỉ USD, sau Mỹ và EU. Năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% giá trị xuất khẩu tôm và là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 33%.
Thanh Thanh | Thedapo.com
Post a Comment