Chân phúc Beato Angelico (1395-1455), OP, là một trong những họa sĩ nổi tiếng của thời Phục Hưng, coi hội họa như một hình thức chiêm niệm, cầu nguyện và rao giảng.

Đây là bức họa Truyền Tin, được Thầy vẽ cho Tu viện Thánh Đa Minh ở Fiesole và hiện nay được lưu giữ trong bảo tàng Prado ở Madrid.

Kính mời ai yêu thích nghệ thuật Công giáo, gác lại nỗi lo buồn trong cơn đại dịch, cùng chiêm ngưỡng đôi chút về niềm hy vọng phát xuất từ ngày Thiên Sứ truyền tin.



(Bên dưới phần chính bức tranh còn có 5 tiểu cảnh: (1) Đám cưới Đức Trinh Nữ Maria, (2) Đức Mẹ đi thăm viếng Bà Thánh Elisabeth, (3) Các Đạo sĩ thờ lạy Chúa Giêsu, (4) Dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ Giêrusalem, (5) Đức Trinh Nữ sinh thì)

Bức tranh diễn tả cảnh truyền tin trong một không gian kiến trúc thời Phục Hưng. Từ trái sang phải một thứ ánh sáng đồng nhất chiếu tỏa mọi vật bằng các gam mầu sáng lạnh hài hòa với màu hồng và màu xanh da trời, tạo nên một cảnh sắc vừa siêu thực và tự nhiên, vừa hiện thực và nội tâm.

Phần bên trái bức họa là khu vườn rào kín (hortus conclusus) chỉ sự trinh khiết của Đức Trinh Nữ Maria. Cây thiên tuế và cây hoa hồng có gai gợi đến cuộc Thương Khó vinh quang của Chúa Giêsu. Cây hoa hồng cũng ám chỉ Đức Mẹ như hoa hồng mầu nhiệm vậy.

Adam và Eva, hai nhân vật chính trong khu vườn, mặc áo nhặm biểu thị thái độ sám hối, đang rời khỏi khu vườn theo lệnh của Tổng lãnh Thiên Thần. Ánh mắt Eve liếc nhìn Đức Mẹ Maria, người sẽ đạp dập đầu con rắn đã quyến rũ bà.

Sự hiện diện của Adam và Eva ở đây trong bức tranh nhắc ta rằng: sự đổ vỡ trong tương giao giữa con người và Thiên Chúa do sự bất tuân, từ hôm nay bắt đầu được nối lại nhờ sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria và con người sẽ được tái sinh trong Chúa Kitô.

Góc trên cùng phía bên trái bức tranh là bàn tay của Đức Chúa Cha. Từ đó có hình chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần theo luồng ánh sáng thần linh chiếu tỏa trên Đức Trinh Nữ.

Đức Trinh Nữ Maria ngồi trên cái ghế phủ tấm vải vàng cũng được dùng như một tấm thảm giăng lên phía sau vai, nhằm tôn vinh và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mẹ.

Sứ thần Gabriel có gương mặt đẹp, mang y phục thanh lịch màu hồng, đôi cánh sặc sỡ đang dang rộng như một dấu hiệu cho biết ngài vừa xuất hiện, trên đầu có quầng sáng vàng rực bao quanh ám chỉ sự thánh thiện của ngài.

Sứ Thần cầm hoa huệ ám chỉ Đức Mẹ Maria là một mẫu gương trinh khiết và tùng phục hoàn hảo. Hoa huệ dễ sinh sôi, nảy nở và đơm bông vì vậy nó ám chỉ sự trinh trắng sinh hoa kết quả của Đức Mẹ khi cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu.

Sứ Thần khoanh tay hướng về phía Đức Trinh Nữ, như một dấu hiệu tôn kính, trân trọng loan báo Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người.

Đức Trinh Nữ Maria khiêm tốn cúi đầu xin vâng theo thánh ý Chúa. Trên đầu gối Mẹ có một cuốn sách Kinh thánh đang mở ra ám chỉ những điều Kinh Thánh loan báo thuở xưa nay đã trở thành hiện thực bằng lời xin vâng của Mẹ.

Hai tay Đức Mẹ đặt chéo trên ngực thể thể hiện sự sẵn sàng của Đức Mẹ đồng thời cũng ám chỉ Đức Mẹ đang ôm lấy Người Con vừa hiện diện trong lòng Mẹ.

Chiếc áo màu hồng Mẹ mặc ám chỉ nhân tính và tư cách là nữ hoàng của Mẹ. Nhân tính ấy được bao phủ bởi thiên tính tượng trưng bằng chiếc áo choàng màu xanh da trời phủ bên ngoài. Chiếc áo xanh này cũng gợi nhớ đến chiều kích thiêng liêng là đời sống chiêm niệm của Mẹ.

Dưới bầu trời đầy sao là căn nhà mầu trắng của Đức Mẹ. Từ tiền sảnh có thể thoáng thấy căn phòng bên trong tượng trưng cho cung lòng Đức Mẹ. Căn phòng giống như phòng ở của nữ tu, có một cửa sổ, một tủ nhỏ và một chiếc ghế dài. Sự giản dị này làm nổi bật phẩm giá của Đức Mẹ.

Ở giữa hai của hai vòm tiền sảnh là bức phù điêu Tiên tri Isaia đang nhìn thấy lời tiên báo của mình ngày xưa nay đã được ứng nghiệm: "Này, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh ra một đứa con trai, người sẽ được gọi là Emmanuel" (Is 7:14).

Một con chim én đang đậu trên dây buộc giữa hai vòm của tiền sảnh, ngay bên trên đầu Đức Mẹ, tượng trưng cho mùa xuân vĩnh cửu của nhân loại bắt đầu hôm nay với lời xin vâng của Đức Mẹ và sự nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa./.

Theo Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR

Post a Comment

Previous Post Next Post