Thạch, 37 tuổi mà nhìn già hơn tuổi nhiều, mặt đen nhẻm lơ lớ giọng người Khmer nói tiếng Việt. Khi tôi ghẹo sao trẻ hơn tôi mà nhìn già quá đỗi, Thạch lúng túng ngắt ngứ tìm từ ngữ để trả lời: “Tại ông làm trong mát, tui ngoài nắng”.
Đứng giữa cánh đồng khô không khốc ở Sóc Trăng, Thạch dí chân vào mấy cục đất, nói lí nhí gì đó tôi không nghe rõ. Đại ý, hết mùa lúa thì tới mùa dưa hấu mà năm rồi dưa hấu bán rẻ như cho. Giờ nước mặn quá đã kéo về giữa đồng, đã lọc cho đỡ mặn mà tưới lên lá dưa cứ cháy vàng.
“Không làm lấy gì ăn” - Thạch nói.
Cái câu này chúng tôi nghe suốt trong một tuần chạy quanh miền Tây. Đứng bên cánh đồng cháy lúa. Đứng bên dòng kênh cạn nứt nẻ. Đứng bên khu vườn héo rũ vì thiếu nước tưới. Đứng bên dòng sông mặn chát. Đứng ở đâu người nông dân cũng trả lời chúng tôi như vậy.
Có những con sông nước đầy ăm ắp lên xuống sớm chiều như trăm ngàn năm qua nhưng cây cối hai bên bờ lá vàng héo úa. Độ mặn của dòng nước khiến cây cối không thể sống nổi. Người dân mua nước tưới cho cây gấp 10 lần tiền mua nước cho mình uống.
Cứ mỗi khối nước tưới vận chuyển bằng tàu từ sông phía Sa Đéc (Đồng Tháp) về đến Chợ Lách (Bến Tre) sẽ có giá 40.000 đồng/khối tại tàu, vận chuyển đến vườn - tuỳ xa gần có khi lên đến 100.000 - 150.000 đồng. Chỉ có dòng nước từ sông Cửu Long với phù sa như ức vạn năm trước mới nuôi được cây sầu riêng, chôm chôm, xoài mít... Nước sạch cho người uống có tưới cũng làm cây rụng lá, lắt lay sống qua mùa hạn.
Dòng Cửu Long đã thay đổi. Thay đổi mãi mãi không bao giờ trở lại nữa. Kể từ đợt hạn mặn được gọi là “lịch sử” năm 2016 thì đợt hạn mặn lần này còn dữ dội hơn, cực đoan hơn. Và con người sẽ phải sống với sự thay đổi ấy, thích nghi với nó. Không có cách khác.
Ngồi với tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nghe được những đúc kết đến mặn chát cả miệng. “Ở đâu trồng nhiều lúa nhất, ở đó tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng cao nhất. Ở đâu trồng nhiều lúa nhất, người dân ở đó nghèo nhất.” Sực nhớ trong tác phẩm “Sapien - Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari cũng có những đúc kết tương tự như vậy về cuộc cách mạng nông nghiệp của loài người.
Cây lúa giờ đây đem lại nhọc nhằn hơn cho người nông dân. Trồng lúa chiếm diện tích hơn, tốn nhiều nước tưới hơn, nhưng giá trị bán rẻ nhất. Thuận, một doanh nhân - nông dân sở hữu nhiều đất canh tác ở miền Tây vào hàng bậc nhất, nói với tôi “cần phải bỏ cây lúa thôi. Phải trồng thứ khác thì nông dân mới đỡ khổ”. Mỗi năm, công ty của Thuận xuất khẩu chuối sang Nga, Trung Quốc, Nhật và thu về khoảng 5 triệu USD.
Đã đến lúc phải gỡ đi gánh nặng “an ninh lương thực” trên vai người nông dân miền Tây. Phải tính toán lại diện tích trồng lúa bao nhiêu là đủ cung cấp lúa gạo cho người dân. Nếu có xuất khẩu thì hãy xuất khẩu những loại gạo ngon như ST 24, ST 25 với giá trị cao.
Nhưng, dòng nước mặn đâu có phải chỉ cuốn đi những phù sa trên dòng Mekong. Một nông dân khi tôi hỏi “nếu vụ sau lại thất nữa thì sao?” đã đáp gọn lỏn “Đi Bình Dương”. Khi người nông dân không thể sống được với mảnh ruộng hay khu vườn của mình nữa thì họ sẽ ly hương. Bạn có còn thấy lạ không khi nghe kể về những xóm ở miền Tây chỉ có con nít dưới 16 tuổi và người trên 60 tuổi?
Những phận người từ bỏ ruộng vườn để trôi dạt với đủ nghề nghiệp. Cay cực có mà cay đắng cũng có. Nhem nhuốc dầu mỡ có mà diêm dúa phấn son cũng có. Đó chính là di chứng của hạn mặn. Thay đổi đời người, thay đổi xã hội.
Miền Tây, bao lần nước ròng nước lớn. Bao lần tôi đi ngang qua những ngôi nhà có hàng rào hoa vàng lắt lay trong gió mà ngẩn ngơ muốn dừng lại nhưng giật nhớ mình chẳng thuộc về nơi đâu. Bao lần tôi ngồi bên một con rạch nhỏ hay dòng sông lớn để nghe chim vịt kêu chiều mà buồn xa xứ. Nhưng, chẳng có buổi chiều nào mặn chát như buổi chiều tôi nhìn vào mắt người phụ nữ Khmer bên mảnh ruộng cháy nắng ở Trà Vinh, bàn tay người đàn ông Việt chặt bỏ từng trái sầu riêng để cứu vườn cây trong hạn mặn. Hay khi ngồi bên chiếc thuyền chở nước bên dòng sông đầy ắp nước, như sự trêu ngươi của cuộc đời.
Trung Bảo - Thắng Thế Lê
Theo Facebook Báo sạch
إرسال تعليق