1. Trẻ nên học tiếng Anh từ độ tuổi nào?
Theo nghiên cứu của tiến sĩ tâm lý Elaine Schneider – một chuyên gia ngôn ngữ trẻ em tại Mỹ cho biết trẻ em tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Não bộ của trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé từ một đến năm tuổi được ví như một miếng bọt biển có thể hút các thông tin xung quanh rất nhanh và nhạy bén. Bên cạnh đó, cấu tạo của các cơ quan nghe và phát âm ở trẻ nhỏ trong giai đoạn này cũng giúp các bé dễ dàng bắt chước các cách phát âm khác nhau hơn.
PGS.TS Trần Thị Thu Mai – Phó trưởng khoa tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng nhận định rằng, từ 20 tháng cho đến tám tuổi là giai đoạn trẻ nhỏ phát triển mạnh mẽ nhất về ngôn ngữ, giai đoạn này được gọi là thời kỳ “phát cảm về ngôn ngữ”. Nếu cho bé học ngoại ngữ ở độ tuổi này, trẻ tiếp thu sẽ rất nhanh.
2. Các nguyên tắc trong việc dạy trẻ
Không gây áp lực: Mỗi đứa trẻ đều có một thiên hướng khác nhau. Có đứa trẻ thích âm nhạc, có khả năng thẩm âm, tiết tấu nhanh. Nhưng cũng có đứa trẻ đam mê các hình khối hoặc có trí tưởng tượng phong phú. Chính vì vậy, nếu con bạn không thể nhớ được một từ tiếng Anh mà bạn đã nhắc đi nhắc lại thì đấy là chuyện bình thường. Có thể bé sẽ giỏi ở một loại ngoại ngữ khác hay ở lĩnh vực khác. Bạn nên nhớ, gây áp lực phản tác dụng với trẻ trong trường hợp này.
Dạy trẻ thứ trẻ thích: Nếu trẻ chưa bao giờ tiếp xúc với tiếng Anh thì chẳng có lý do gì khiến trẻ ghét bỏ môn học này. Vì vậy, nếu có ý định dạy con tiếng Anh, bạn hãy tạo sự tò mò và thích thú cho bé bằng các loại sách, truyên, bài hát trẻ em được xuất bản bằng tiếng Anh. Nên nhớ, khi bé đã thích thì bạn không muốn con học cũng không được.
Không so sánh: Bạn đừng đem con mình ra so sánh với bé A, bé B – con của đồng nghiệp vì sẽ khiến con có thể sẽ tự ti và áp lực. Vì vậy, hãy đánh giá trẻ với chính trẻ ngày hôm qua để xem bé đã tiến bộ hay chưa và đừng quên khích lệ trẻ thường xuyên.
3. Phương pháp dạy trẻ tiếng Anh
Bạn có thể cho bé học thông qua trò chơi, thơ ca, văn vần, bài hát, các bộ phim hoạt hình không lồng tiếng Việt. Bất kỳ cái gì cũng có thể biến thành trò chơi, đôi khi chẳng cần liên quan đến môn học.
Bạn không nên dạy trẻ kiểu “học dịch”. Ví dụ: “Con gà tiếng Anh là gì? Con mèo tiếng Anh là gì? Con dịch cho mẹ câu: Hôm nay trời mưa…”. Với kiểu học như thế, bé có thể sẽ thuộc rất nhiều từ, nhưng vẫn chưa phải là “biết tiếng” vì thiếu tư duy kết nối và logic.
Khối lượng kiến thức tùy thuộc vào trẻ và độ tuổi của trẻ, trẻ càng bé lượng từ càng ít. Tuy nhiên, có những trẻ có năng khiếu thì bố mẹ nên linh động điều chỉnh cho phù hợp. Đừng quên, chất lượng hơn số lượng: 5 từ mới và cách dùng chúng nhuần nhuyễn có ích cho các em hơn là cả mấy chục từ mới mà học lớt phớt, nói trước quên sau.
Thời lượng một buổi học cũng tùy thuộc với từng độ tuổi và sự hứng thú của trẻ, trẻ càng nhỏ càng không nên ngồi lâu, trong một buổi học cần luân chuyển giữa ngồi một chỗ và vận động cho trẻ đỡ chán. Bạn nên dừng trước khi trẻ muốn dừng để trẻ lúc nào cũng cảm thấy buổi học hôm nay chưa đủ với trẻ. Như vậy, lần sau trẻ vẫn hứng thú học.
Dạy trẻ thông qua trò chuyện, qua các tình huống hàng ngày. Nếu bạn thường xuyên sử dụng tiếng Anh khi giao tiếp với con trong công việc hàng ngày thì theo một cách tự nhiên, trẻ sẽ hiểu được cái bạn muốn nói do liên hệ các từ, các câu với sự vật, sự việc hay hành động. Cách này thống nhất với nguyên tắc không học dịch đã kể trên.
Dạy con bằng đồ dùng có hình ảnh trực quan, sinh động. Đồ dùng càng trung thực và trẻ có thể nhìn, nghe, ngửi, nếm, cầm nắm càng nhiều càng tốt. Như thế trẻ sẽ có khái niệm rõ hơn về sự vật, sự viêc và sẽ nhớ lâu hơn. Ví dụ, bé học tiếng Anh, bạn có thể chỉ vào hình con thỏ và nói “rabbit” bằng ngoại ngữ, nhưng tuyệt đối không nói to lên“rabbit” là con thỏ! Mục đích của ta là bé nghe và nghĩ bằng ngôn ngữ đó. Tức là khi nhìn thấy hình con thỏ là trong đầu bé hiện lên chữ rabbit chứ không phải chữ con thỏ.
Nếu có điều kiện, hãy cho con tiếp xúc với người nước ngoài nói thứ tiếng con đang học để tiếp thu cách phát âm. Việc luyện ngữ âm là cần thiết hàng đầu đối với trẻ. Nhưng luyện bằng cách nghe nhiều, nói nhiều, trẻ sẽ thấm vào đầu từ lúc nào chứ không nhất thiết phải kèm như kèm… kem, bắt đọc đi đọc lại một vài bài đọc cũ kỹ, khiến trẻ chán học. Nếu cô giáo trên lớp hay chính bạn có cách phát âm tiếng Anh không chuẩn, bạn có thể cho trẻ nghe các mẩu truyện cổ tích trên các website nước ngoài, phim hoạt hình hay các bài hát, phần mềm dạy tiếng Anh. Trẻ sẽ điều chỉnh dần dần. Có khi, lúc đó, chính bạn cũng sẽ hoàn thiện khả năng phát âm tiếng Anh của mình.
Bạn có thể dạy con cùng một lúc 2 ngoại ngữ mà không sợ bé bị lẫn. Tuy nhiên, một trong hai ngôn ngữ phải được nhấn mạnh nhiều hơn, xác định rõ chính và phụ. Trước mỗi buổi học, nhắc đi nhắc lại với bé: “Hôm nay chúng mình nói tiếng Pháp (hoặc tiếng Anh) nhé!” để bé phân biệt rõ ràng hai thứ tiếng.
Điều cuối cùng, chúng tôi muốn nhắc lại với bạn, hãy biến tất cả những thứ bạn muốn dạy con thành trò chơi. Đó là cách “lừa” trẻ học thành công và đem lại nhiều niềm vui cho cả cha mẹ và con.
Thiện Nhân (Tổng hợp) | DKN.TV
Post a Comment