Học tiếng Anh giao tiếp online – Có khi nào các bạn đặt câu hỏi “Tại sao mình học tiếng Anh giao tiếp mãi mà không giỏi?; Lý do vì sao lại như thế mặc dù chỉ là tiếng Anh giao tiếp căn bản mà vẫn không thể nói thành thạo?”. Chúng ta hay tìm hiểu xem phương pháp học tiếng Anh giao tiếp của các bạn có bị sai hay vướng mắc ở đâu làm giảm đi sự tiến bộ của các bạn trong bài viết này.

1. Không nên tập trung quá nhiều vào ngữ pháp tiếng Anh

Thường thì khi các bạn được đẩy vào tình huống phải giao tiếp tiếng Anh, điều đầu tiên mà đa phần các bạn nghĩ tới đó là “Mình không chắc nói có đúng ngữ pháp không?”, “ Người ta có hiểu mình nói gì không?”. Và vì thế, áp lực nói đúng ngữ pháp là trở ngại đầu tiên và lớn nhất khiến bạn không tự tin mỗi khi cất lời.

Nhưng thực tế, mấu chốt quá trình giao tiếp là việc nghe các key words và nắm bắt ý chính, bởi vậy, kể cả bạn không nói chính xác hoàn toàn 100% ngữ pháp, người đối thoại với bạn vẫn hoàn toàn có thể hiểu bạn đang nói gì và cho bạn một lời phản hồi đúng trọng tâm.

Vì vậy, trong quá trình luyện tập giao tiếp tiếng Anh hàng ngày, thay vì mải mê sắp xếp từ ngữ sao cho đúng ngữ pháp trước khi nói – việc mà thực tế làm giảm tốc độ phản xạ của bạn rất nhiều lần – bạn nên tự khích lệ bản thân “nói bừa”, chấp nhận việc sai sót về ngữ pháp, nhưng đảm bảo các keywords và ý tưởng của câu nói phải chính xác. Dần dần, bạn sẽ thấy các lỗi ngữ pháp càng lúc càng ít đi.

2. Sủ dụng sai từ vựng khi giao tiếp tiếng Anh


Đừng lạm dụng từ vựng, nhất là những từ khó khi bạn chưa nắm rõ cách sử dụng của chúng. Từ càng khó, cách sử dụng càng giới hạn nhất định. Hãy bắt đầu luyện tập từ những gì cơ bản nhất, đơn giản nhất nhưng chuẩn xác.

Thực tế, khi bạn ghi nhớ được nghĩa của một số từ tiếng Anh “khó nhằn” nhưng bạn vẫn không thể phản xạ một câu chưa từ ngữ đó. Vậy thì vấn đề chính bởi bạn không nhớ nó trong một ngữ cảnh xác định, và lời khuyên của mình là hãy đặt những từ ngữ đó vào những cụm từ hoàn chỉnh hoặc câu hoàn chỉnh trong khi luyện tập giao tiếp.

Ví dụ:

“have an appointment with sb”

“graduate from ABCXYZ school”

“I have experience in Sales and Marketing but I have little experience in Banking and Finance.”

“I prefer day-shift but night-shift seems ok to me.”

“I’m allergic to onion so please make me a non-onion pizza. Thanks a lot!”

Cách học này giúp bạn nhớ lâu hơn khi sử dụng được cụm từ hay câu đã học được. Ngoài ra khi dùng ta không cần suy nghĩ lâu để ráp lại thành câu. Đó là yêu cầu trong giao tiếp bởi không có nhiều thời gian cho bạn cân nhắc và suy nghĩ những gì phải nói.

Ngoài ra, việc tự tạo môi trường rèn luyện Tiếng Anh cho bản thân để nhớ từ vựng là rất quan trọng, ví dụ như ở các lớp học trong các trung tâm Anh ngữ, trên lớp học với bạn bè, trong các cuộc hội thoại hằng ngày hoặc trong các video, audio bằng Tiếng Anh… Đừng trông chờ quá vào từ điển vì học bằng cách áp dụng và thực hành sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn so với một cuốn từ điển khô khan.

3. Khi học tiếng Anh giao tiếp cần chú ý phát âm

Cách phát âm là phần khá quan trọng trong tiếng Anh giao tiếp, đơn giản bởi vì người nghe sẽ khó hiểu nếu bạn phát âm không chuẩn. Một lỗi thường gặp như không phát âm “ending sound” (âm gió nằm cuối từ). Ví dụ: bạn muốn nói “white hair” nhưng không có “ending sound”, người đối diện sẽ nghe nhầm thành “why hair”. Và rất nhiều bạn cũng thường quên phát âm “s”.

Một lỗi khác là không có sentence stress (nhấn câu). Nếu bạn nói một đoạn thật dài nhưng giọng đều đều, không nhấn mạnh các từ trong câu, khi đó người giao tiếp với bạn sẽ không nhận biết được ý chính của bạn là gì. Tương tự như khi bạn thi Listening, chính bạn cũng cần dựa vào sự nhấn giọng của người nói trong băng để hiểu được nội dung và đưa ra đáp án đúng.

Tiếp nữa là word stress (nhấn âm) sai. Lỗi này thường do nói hoặc học từ vựng mà không để ý đến phát âm, lâu dần thành thói quen rất khó sửa. Khi bạn nhấn âm sai một loạt từ trong một câu người nghe sẽ không thể hiểu được nội dung bạn muốn truyền đạt

4. Trong lúc giao tiếp tiếng Anh hay đệm “um”, “ah”

Đối với nhiều bạn, một cách vô thức đã quen với sử dụng những từ như “um”, “ahh”, “so”, “like” hay “you know” và làm cho một câu nói của mình “dài bất tận”. Việc cho rằng những từ này dùng để lấp khoảng thời gian tạm ngừng trong khi đang nói là không đúng, bởi nếu dùng nhiều, câu nói sẽ trở nên rắc rối, khó theo dõi đối với người nghe.

Ví dụ, bạn thử đọc to theo câu nói này nhé: “I’m Mai. …um… I graduated from …um… National Economics University. …Ah… I have experience in Sales and Marketing but … you know…, I have little experience in …um…well… Banking and Finance.”

Những từ đệm này không làm nổi bật thông điệp bạn muốn nói mà hơn thế sẽ khiến bạn có vẻ nhút nhát hơn. Người đối diện sẽ cảm thấy bạn dường như không tự tin về bản thân và không chắc chắn về câu trả lời của chính mình. Đôi khi những từ này còn khiến chính người nói mất tập trung và không rõ mình đang nói gì.

Cách tốt nhất để sửa đổi đó là giảm tốc độ nói, nhận thức và kiểm soát thói quen sử dụng từ đệm. Khi biết bản thân sắp “phát ra“ từ đệm, hãy dừng một chút, bạn có thể coi đó là “chiến lược tạm dừng”. Việc này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ điều bạn muốn nói, sau đó, hãy tiếp tục nói mà không thêm vào bất kỳ từ đệm nào. “Chiến lược tạm dừng” không chỉ giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ, mà còn tạo thêm sức ảnh hưởng cho lời nói của bạn mỗi khi giao tiếp tiếng Anh.

5. Không nên nói quá nhanh khi học tiếng Anh giao tiếp

Nói nhanh được xem là nói lưu loát như người bản ngữ, nói mà không cần dịch trong đầu. Tuy nhiên, bạn không nên nói nhanh khi mà mình không thể nói chính xác như người bản ngữ bởi bạn sẽ dễ dàng mắc những lỗi ngữ pháp, phát âm, từ vựng vì không có đủ thời gian để suy nghĩ về chúng.

Vì vậy, bạn nên nói với tốc độ vừa phải và rõ ràng, không nuốt chữ. Khi nói chậm rãi, bạn sẽ có thể để ý nhấn giọng ở các ý quan trọng. Đừng chậm quá đến mức làm người nghe ngán ngẩm là được.

Người mới học Tiếng Anh thường chú ý vào những lỗi sai và lo lắng rất nhiều về việc mắc lỗi và sửa lỗi. Họ cố gắng nói thật hoàn hảo, thế nhưng không có ai là hoàn hảo cả bởi vì người bản xứ cũng có thể thường xuyên mắc lỗi. Vì vậy, thay vì tập trung vào việc sửa những lỗi sai của mình thì bạn nên tập trung vào việc giao tiếp. Mục tiêu của bạn không phải là nói thật “hoàn hảo”, mà có thể thể hiện được các ý tưởng giao tiếp, thông tin và cảm giác thật rõ ràng và dễ hiểu. Tập trung vào việc giao tiếp một cách tích cực thì những lỗi sai của bạn sẽ dần dần được cải thiện.

Hy vọng các bạn học tiếng Anh giao tiếp thành công!

Post a Comment

Previous Post Next Post